Monday, August 4, 2014

Tìm về ký ức với các quán cà phê ở Sài Gòn

Giữa cái tấp nập và bộn bề của Sài Gòn, người ta như muốn gác lại mọi thứ và tìm về một góc riêng yên tĩnh, nơi những tình khúc nhạc Trịnh bao trùm lấy không gian. 

Tìm một quán cà phê nhạc Trịnh ở Sài Gòn không dễ, vì số lượng quán chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những quán này không quá chú trọng về hình thức, mà chỉ muốn tạo nên không gian quen thuộc, chắc vì vậy mà những dịp rảnh rỗi khách vẫn tìm đến rất đông. Họ ngồi đó, bên ly cà phê đá, mắt thi thoảng nhắm hờ lại, để cho dòng suy nghĩ trong đầu chạy theo từng lời hát: "Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi. Người ơi, nước mắt hoen mi rồi". 

1. Chiêu

Nằm trong một con hẻm nhỏ đường Cao Thắng, Chiêu là một quán cà phê khiêm tốn nhưng rất quen thuộc với những vị khách và sinh viên từ những thập niên 70, 80, 90. Quán mở ra năm 1969 nhưng vẫn không thay đổi gì nhiều cho đến thời điểm này dù đã trải qua vài lần sửa chữa. Khách ghé đến Chiêu để trốn cái ồn ào, tấp nập, bởi những ai đến đây đều tôn thờ sự yên tĩnh. Vào những ngày mưa rả rích, âm thanh miên man của Khánh Ly: "Trời còn làm mưa, mưa rơi miên man. Từng ngón tay buồn, em mang em mang, đi về giáo đường. Ngày chủ nhật buồn, còn ai còn ai..." như đưa bạn lịm đi trong tiếng tí tách ngoài cửa sổ.


Cách bài trí của Chiêu đơn giản đến mức tối đa. Những chiếc bàn xếp kề nhau, những bức tranh xưa được treo trên tường và ánh đèn heo hắt. 


2. Thủy Trúc

Thủy Trúc là một nơi gắn liền và chất chứa nhiều kỷ niệm với bao người từng có dịp ghé đến đây. Nằm trên con đường Bùi Thị Xuân, quận Tân Bình, Thủy Trúc như một bức tranh thiên nhiên giữa lòng thành phố. Người ta biết đến Thủy Trúc bởi phong cách khắt khe có một không hai khi đến quán. Bạn không được nói lớn, không đùa giỡn, không đi đông người. Thậm chí, quán này sẽ không nhận thêm khách khi các bàn bên trong đã ngồi đủ. Chính vì những quy định buộc phải tuân theo này mà Thủy Trúc tạo được không gian "sạch" và "chất", càng kéo khách đến với quán nhiều hơn. 

3. La Tamia

Một nơi chỉ dành riêng cho những người hoài cổ yêu âm thanh cũ kỹ. Nằm trên đường Trần Khắc Chân, quận 1, La Tamia còn là địa điểm giao lưu cho những người bạn cùng sở thích. Không gian La Tamia tuy nhỏ bé nhưng tạo nên sự ấm cúng. Hàng chục máy Akai lớn nhỏ, nhiều kiểu dáng được trưng bày chật kín La Tamia. Chủ quán ở đây vốn là một người đàn ông yêu nhạc xưa, mê đồ cổ nên những bản nhạc được phát tại La Tamia cũng như kéo người ta trở về mấy chục năm trước. 


La Tamia tiếng Việt nghĩa là con sóc. Vào dịp cuối tuần, La Tamia còn biểu diễn nhạc mộc và thứ họ hát vẫn là nhạc xưa. 


4. Thềm xưa

Không gian Thềm Xưa là một ngôi nhà kiến trúc thời Pháp thuộc, bao bọc xung quanh là những hàng cây to xanh mát. Bước vào Thềm xưa, bạn không cảm nhận được vẻ tĩnh lặng như ở Chiêu, nhưng vẫn tìm thấy một góc riêng bình yên cho mình. Nằm trên đường Nguyễn Cảnh Chân, khúc đường Nguyễn Trãi, quận 1, Thềm xưa tách biệt với âm thanh ồn ào và tiếng còi inh ỏi của xe cộ. Đến Thềm xưa vào buổi tối, dưới ánh nến lung linh, bạn sẽ nghe tiếng nhạc Trịnh du dương hòa với tiếng nước chảy róc rách.


Không gian Thềm Xưa mặc dù khá rộng với nhiều khu như sân vườn, phòng máy lạnh, trên lầu, nhưng Thềm xưa vẫn lắp đặt dàn trải hệ thống âm thanh để khách ngồi đâu cũng có thể thưởng thức được nhạc. 

No comments:

Post a Comment

Popular Posts