Tinh tế từ khâu lựa chọn nguyên liệu, chế biến cho đến cách trang trí, bày biện, ẩm thực từ lâu đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của đất cố đô. Những món ăn dù là cao lương mỹ vị hay dân dã đơn sơ, đều làm cho ai đó một lần nếm qua phải xuýt xoa khen ngợi, để rồi lưu luyến mãi.
Từ món ăn chơi…
Nói đến đặc sản Huế, tức là nói đến vô số loại bánh khác nhau có hương vị đậm đà không thể lẫn với bất kỳ nơi nào khác. Người Huế làm bánh không phải để ăn no, mà để thưởng thức, tận hưởng từ từ tinh hoa của đất trời. Những chiếc bánh nhỏ xinh vừa giản dị vừa cầu kỳ đã thể hiện phần nào nghệ thuật làm bếp của những bà nội trợ đảm đang, khéo tay vun vén. Mỗi loại bánh có một cách làm và mang ý nghĩa riêng đòi hỏi người ăn phải thưởng thức bằng cả ngũ quan mới cảm nhận hết sự tinh túy của ẩm thực kinh kỳ.
Nổi danh nhất là món bánh bèo thanh tao, mỏng manh nằm gọn gàng trong những chiếc bát con xinh xắn điểm xuyết thêm tôm chấy, dầu hành rưới lên cùng vài lát da heo chiên giòn thật quyến rũ. Điểm nhấn của món này là nước chấm làm từ nước luộc tôm ngọt lừ kết hợp nước mắm ngon chua ngọt cùng vài lát ớt xanh đỏ thơm thơm mới thật đậm đà.
Bánh bột lọc nhân tôm được gói ghém bằng lá chuối theo cách riêng. Gắp một lát bánh trong veo thấy rõ cả nhân, rồi cắn ngập răng, bạn sẽ cảm nhận được độ dai dai, sừn sựt của bột lọc, vị ngọt của tôm tươi, thịt ba chỉ mặn mòi… vô cùng thích thú. Bánh nậm trắng ngần điểm nhụy tôm hồng, lát mỏng manh gói trong lá dong xanh được ăn kèm với chả tôm thật khó quên. Bánh ram ít là sự cộng hưởng của miếng bánh trắng dẻo cùng miếng bánh ram giòn rụm thêm màu xanh của mỡ hành, vàng của tôm cháy thật đẹp mắt.
Ngoài bánh Huế, bún bò là món ăn lừng danh mà bất kỳ ai đam mê ẩm thực cũng mê mẩn. Ngày nay, dù nó đã trở nên phổ biến khi theo chân người bản xứ đi khắp mọi miền Tổ quốc nhưng nếu muốn thưởng thức một tô bún bò với tất cả hương vị đặc trưng, bạn nhất định phải đến Huế.
Muốn có một tô bún ngon, yếu tố quan trọng nhất là nước dùng. Thứ nước đặc biệt này hầm từ xương heo, xương bò trong nhiều giờ nhưng vẫn trong vắt, ngọt thanh gia giảm thêm mắm ruốc, sả, ớt, nước mắm theo bí quyết gia truyền. Còn gì tuyệt hơn khi được thưởng thức tô bún nghi ngút khói, sợi bún trắng tinh, chả cua hồng, khoanh giò trắng ngà ninh mềm, lát thịt bò vàng nâu… nằm ngập trong bát nước dùng lấp loáng tinh dầu sả vàng ươm. Gắp một miếng giá trắng, ít húng quế xanh, thêm vào một chút sả ớt, vắt tí chanh… là bạn đã có một bữa ăn không thể quên. Đặc biệt, phải có một lần ăn bún đến chảy nước mắt, vừa nóng, vừa cay lan dần trên đầu lưỡi, mới thật đúng điệu!
Nếu bún bò đậm đà, bổ dưỡng thì cơn hến lại vô cùng dân dã, có gốc gác từ những người dân vạn đò quanh năm lênh đênh sông nước. Là bản hòa âm của mười mấy loại nguyên liệu: cơm nguội, hến luộc, thân chuối non, bắp chuối xắt mảnh trộn với bạc hà, khế, rau thơm, rau răm thái nhỏ, đậu phọng rang, da heo chiên phồng, ớt tương, ớt màu, ruốc sống, bánh tráng nướng bóp vụn, muối rang, mè rang, tóp mỡ… cơm hến quả thực là một bức tranh ẩm thực đa sắc.
Ăn cơm hến đúng chất phải nêm nếm thêm những gia vị cay đến rát lưỡi, húp thêm bát nước hến ngọt thanh và cắn thêm trái ớt để dù có toát mồ hôi mà vẫn xuýt xoa khen ngon. Địa chỉ lừng danh nhất để bạn tìm đến chính là cồn Hến ở phường Vỹ Dạ. Vừa thưởng thức đặc sản xứ Huế, vừa cảm nghiệm cái non nước hữu tình trong tác phẩm “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn thi sĩ thuở nào, bạn sẽ thấy thi vị biết bao.
Người ta thường ví rằng, nếu Hà Nội có 36 phố phường để vi vu thì Huế cũng có đến 36 món chè để nếm thử. Từ những loại chè cung đình sang trọng cho đến những món chè bình dân đều có vị ngọt thanh và chế biến cầu kỳ, tinh tế qua bàn tay của những o, mệ đảm đang. Món chè đặc trưng của Huế chính là chè bắp, nấu từ giống bắp non còn căng sữa trồng trên cồn Hến. Người ta bào những hạt bắp thật mịn rồi nấu cùng với bột lọc và đường trắng cho đến khi đặc lại, sẽ cho ra chén chè thơm lừng, ngọt lịm rất hấp dẫn. Chè khoai tía lại “được lòng” những vị khách ưa sắc tím dịu dàng quyện với màu trắng muốt của nước cốt dừa béo ngậy.
Đặc biệt, chè bột lọc thịt heo quay “độc nhất vô nhị” chính là món ngon mà không một du khách nào bỏ lỡ. Những viên chè làm bằng bột lọc trong suốt bao bọc lấy miếng thịt quay vuông vắn đủ cả bì lẫn thịt rồi đun trong nước đường phèn cho ngấm. Chè có lẫn vị ngọt mặn, vừa giòn dai vừa béo ngậy nên ăn rất lạ và không ngấy.
Chè hạt sen bọc nhãn lồng lại tượng trưng cho sự cầu kỳ thanh lịch của người Huế. Hạt sen tươi đem hấp chín, bọc trong quả nhãn lồng trắng thơm nức rồi nấu trong đường phèn trong vắt cho đến khi sôi nhẹ. Cái vị béo bùi, thơm ngọt của sen, thanh mát của nhãn lồng và đường phèn như tan chảy vào nhau để tạo nên một chén chè đầy mê hoặc.
Và bạn có thể tìm được những món chè hấp dẫn khác như: chè hạt lựu, chè môn sáp vàng, chè bông cau, chè trôi nước, chè kê, chè khoai sọ, chè đậu xanh, chè đậu đỏ, chè đậu ngự, đậu ván, chè thập cẩm, chè khoai mài, chè hột é…. dọc theo đường Hùng Vương, Trần Phú, Phan Bội Châu, Trương Định. Những quán chè đông đúc nhưng không hề xô bồ. Khách ăn chè cũng từ tốn, thư thả. Ly chè Huế chỉ múc lưng chừng, thêm một ít đá bào mát lạnh bên trên. Bởi thế, dù mùa hè nắng gắt hay mùa đông lạnh lẽo, chè Huế luôn là món ăn vặt lý tưởng dành cho bạn sau chuyến ngao du khám phá đền đài, lăng tẩm.
No comments:
Post a Comment