Saturday, October 15, 2011

Thunderbolt không cạnh tranh với USB 3.0

Công nghệ kết nối tốc độ cao Thunderbolt của Intel sẽ không cạnh tranh với chuẩn kết nối USB (Universal Serial Bus) là chuẩn phổ biến dùng để kết nối máy tính với các thiết bị khác.


>> So sánh tốc độ các kết nối USB 2.0, USB 3.0, eSATA, Thunderbolt, Firewire và Ethernet

>> Intel giới thiệu cổng Thunderbolt cho máy tính Windows

>> Máy Mac có thể sẽ hỗ trợ cả USB 3.0 lẫn Thunderbolt

>> Mainboard Z77 của Intel sẽ có giao tiếp Thunderbolt


Thunderbolt, được công bố hồi đầu năm nay, có hiệu năng lý thuyết gấp đôi so với chuẩn liên kết siêu tốc độ SuperSpeed USB (3.0). Do đó cũng có lý khi cho rằng trong tương lai công nghệ này sẽ qua mặt USB, công nghệ giao tiếp kết nối gắn ngoài phổ biến nhất từng được tạo ra.


Người phát ngôn Dave Salvator của Intel cho biết, hãng Apple đã đi đầu với sản phẩm có trang bị giao tiếp công nghệ Thunderbolt, và hàng chục hãng sản xuất đã sẵn sàng xuất xưởng các hệ thống có công nghệ Thunderbolt vào năm tới. Tại diễn đàn các nhà phát triển Intel Developer Forum hồi tháng 9/2011, hàng chục sản phẩm mới được trưng bày có cổng kết nối Thunderbolt.


Người phát ngôn của Intel cho biết, chúng ta có thể thấy xuất hiện trên thị trường các sản phẩm chạy Windows có công nghệ Thunderbolt vào nửa đầu năm 2012. Microsoft cũng đã trình diễn hỗ trợ Thunderbolt trên Windows 8.


Ông Salvator cho biết, Intel xem Thunderbolt là công nghệ bổ sung cho giao thức USB, mà Intel cũng đã cùng phát triển, nhưng hãng đang nhắm đến đáp ứng nhu cầu của các thiết bị có yêu cầu hiệu năng cao hơn.


Theo Steve Duplessie, nhà sáng lập kiêm trưởng bộ phận phân tích của hãng nghiên cứu thị trường ESG, khi Intel tung ra Thunderbolt thì cả một hệ sinh thái sẽ bắt đầu xây dựng sản phẩm Thunderbolt.


Theo ông Salvator, Acer và Asus đã công bố rằng các nền tảng 2012 của họ sẽ có Thunderbolt, nhưng các hãng sản xuất hệ thống như Dell, Lenovo và Hewlett-Packard (HP) chưa có hành động tương tự. Cả 3 hãng này cho biết là họ vẫn còn đang “đánh giá” công nghệ này.


USB là một trong những chuẩn kết nối thành công nhất trong lịch sử máy tính cá nhân. 100% các hãng sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi đều chấp nhận sử dụng USB. Số thiết bị có lắp đặt USB lên đến hơn 10 tỷ chiếc và mỗi năm số thiết bị này tăng thêm hơn 3 tỷ. Do đó khó mà tưởng tượng được sẽ có một công nghệ liên kết thiết bị bên ngoài nào có thể cạnh tranh với USB.


SuperSpeed USB (USB 3.0) được tối ưu hoá cho hiệu quả về điện năng. Công nghệ này chỉ dùng 1,5A điện năng để nạp điện thiết bị, hay khoảng 1/3 điện năng của Hi-Speed USB (USB 2.0) trước nó.


“Chúng tôi cũng cung cấp nhiều điện năng hơn để nạp điện nhanh hơn”, theo Jeff Ravencraft, Chủ tịch tổ chức USB-IF (USB Implementers Forum), một tổ chức phi lợi nhuận thành lập bởi các nhà phát triển đặc tả USB, gồm Intel, Microsoft và HP. “Ngày nay, điện năng là vua, và cách bạn quản lý điện năng là quyết định”.


Đặc tả USB 2.0 hiện giờ cung cấp cho các thiết bị bên ngoài đến 500mA để nạp điện. Trong khi USB 3.0 cung cấp đến 900mA, tương đương 4,5W, theo ông Ravencraft.


Nếu cổng được thiết kế để hỗ trợ đặc tả sạc pin USB (USB Battery Charging), thì lượng điện năng được nâng cao lên 7,5W (1,5A ở hiệu điện thế 5V). Ngoài ra, theo ông Ravencraft, nhóm USB 3.0 Promoter Group gần đây đã công bố kế hoạch sẽ giới thiệu một đặc tả cung cấp điện năng USB mới, dự kiến sẽ hoàn tất vào đầu năm 2012, nhằm giúp nâng cao hiệu điện thế và cường độ để cung cấp công suất lên đến 7,5W bằng loại cáp hiện giờ và lên đến 100W bằng loại cáp mới.


Quá nhiều băng thông?


Ít ra về mặt lý thuyết, Thunderbolt đánh bại được USB. Thunderbolt có tốc độ truyền 10Gbps, so với 5Gbps của USB 3.0. Thunderbolt nhanh gấp 12 lần so với FireWire 800 và nhanh gấp 20 lần so với USB 2.0. Thunderbolt có thể truyền cả một phim độ nét cao trong vòng không đến 30 giây. USB 3.0 phải tốn đến 70 giây để thực hiện cùng công việc đó, theo ông Ravencraft. Thunderbolt cũng cung cấp đến 10W điện năng cho một thiết bị.


Giám đốc kỹ thuật Rahman Ismail của USB-IF cho biết, trong khi Thunderbolt có thể cung cấp gấp đôi băng thông của USB 3.0, hầu hết mọi người cũng không cần đến lượng băng thông này và thật vậy, hầu hết ứng dụng vẫn chạy được với USB 2.0.


Ông Ismail cho rằng, vấn đề là yêu cầu băng thông này đáp ứng cho thị trường nào.


Được làm bằng đồng, đặc tả Thunderbolt gồm 2 giao thức: PCI Express (PCIe) và DisplayPort. Chip Thunderbolt sẽ chuyển đổi giữa 2 giao thức này để hỗ trợ các thiết bị khác nhau. DisplayPort hỗ trợ hiển thị độ nét cao và cả 8 kênh âm thanh HD audio. Bộ kết nối Thunderbolt có 2 kênh song công toàn phần (full-duplex); mỗi kênh đều hoạt động 2 chiều và cung cấp thông lượng 10Gbps.


Intel nhận thấy, Thunderbolt hỗ trợ các thiết bị lưu trữ tốc độ cao như dãy các thiết bị RAID, màn hiển thị HD và hộp mở rộng PCIe cho MTXT – rất tiện lợi vì xuất/nhập thật nhanh.


Ông Salvator còn nêu ra các sản phẩm có công nghệ Thunderbolt được trưng bày tại hội nghị IDF hồi tháng 9/2011 gồm các thiết bị lưu trữ tốc độ cao (dãy RAID), thiết bị sao chép truyền thông HD, màn hình hiển thị, và bộ mở rộng PCIe cho MTXT. Ông cũng cho biết, Intel sẽ tiếp tục hỗ trợ các công nghệ liên kết khác của hãng.


Hiện giờ, Apple là hãng duy nhất bán máy tính có cổng Thunderbolt. Sony có thể đang dự tính sẽ xuất xưởng một model MTXT có cổng Thunderbolt trong năm nay. Intel đang thiết kế 2 bộ điều khiển Thunderbolt mới có giá thấp cho các nhà phát triển đang thiết kế các hệ thống dùng chip Ivy Bridge của hãng.


Apple là hãng đầu tiên thêm cổng Thunderbolt cùng với cổng USB vào MacBook Air, MacBook Pro, iMac và Mac mini, cho phép khách hàng tiếp cận màn hình hiển thị độ nét cao hơn 1080p.


Apple đã tung ra màn hình hiển thị mới Thunderbolt 27” để biến MacBook Air thành một máy trạm. Cổng Thunderbolt không những cung cấp cho màn hình độ phân giải 2560×1440, nhưng còn cho phép kết nối chuỗi các thiết bị ngoại vi. Điều này có nghĩa là có thể kết nối thêm với màn hình Apple Thunderbolt Display đến 5 thiết bị ngoại vi, gồm thiết bị Promise Pegasus RAID, hay ổ đĩa cứng ngoài LaCie Little Big Disk có công nghệ Thunderbolt đầu tiên.


Ông Salvator cho biết có nhiều loại cổng I/O được tích hợp vào màn hình này.


Sản phẩm gì đang được sản xuất?


Không như Apple và Sony, không phải tất cả các hãng sản xuất đều thích hỗ trợ Thunderbolt trên thiết bị của họ. Hồi đầu năm nay, HP đã xem xét sử dụng Thunderbolt trong máy tính của họ, nhưng sau đó cho biết họ sẽ tiếp tục sử dụng USB 3.0.


Các hãng sản xuất khác có thể sẽ nối bước. Vì vẫn còn mới mẻ, Thunderbolt có giá cao ngất ngưỡng. Theo ông Ismail, một cáp USB 2.0 có giá bán khoảng 1,5 USD (~32.000 đồng), và bộ chipset chỉ dưới 1 USD (~21.000 đồng). Cáp USB 3.0 có giá cao hơn, nhưng chỉ khoảng 4,49 USD (~95.000 đồng).


Trái lại, cáp Thunderbolt được bán với giá 49 USD (~1 triệu đồng). Ông Salvator của Intel không cho biết giá của bộ điều khiển Thunderbolt; tuy nhiên, Intel dự tính sẽ cung cấp bộ chipset giá thấp hơn, có tên gọi Cactus Ranch, vào năm tới.


Theo ông Duplessie, người ta phải bán 45 cáp USB để kiếm được số tiền bằng với số kiếm được với một cáp Thunderbolt. Cùng chi phí sợi cáp và sản xuất. Trong giai đoạn đầu của chu kỳ công nghệ, đó chỉ là thuần lợi nhuận, về mặt hiệu quả. Phải chịu thôi. USB có thể vẫn tiếp tục phát triển. Đối với 99% người dùng, USB 2.0 có lẽ đã đủ nhanh, chưa nói đến USB 3.0.


David Johnson, nhà phân tích của bộ phận cơ sở hạ tầng máy tính để bàn/di động và điều hành của Forrester Research cho biết vẫn còn quá sớm. Tính phổ biến của các thiết bị USB sẽ là một nhân tố lớn mà các nhà sản xuất và người tiêu dùng xét đến trong việc chấp nhận sử dụng Thunderbolt trong tương lai. Nhưng công nghệ giao tiếp này cũng gọn gàng hơn USB, lý tưởng để sử dụng trong netbook, máy tính bảng hay trong công nghệ máy tính mỏng nhẹ.


Intel sẽ giới thiệu một dòng MTXT siêu mỏng mới gọi là Ultrabook vào mùa nghỉ cuối năm nay. Và dù hãng không yêu cầu các hãng sản xuất trang thiết bị sử dụng Thunderbolt trên các máy tính đó, nhưng chắc chắn nhiều hãng sẽ sử dụng công nghệ này, theo ông Johnson.


Theo ông, đây là một nhân tố sẽ thúc đẩy Thunderbolt.


Giống như Thunderbolt, USB 3.0 cũng đang trong thời kỳ đầu. Đa số các sản phẩm đều chỉ sản xuất trong các thiết bị ngoại vi, gồm thẻ nhớ flash và ổ đĩa cứng ngoài.


Tuy nhiên, hãng sản xuất máy tính Asus đã xuất xưởng 2 triệu bo mạch chủ có trang bị giao tiếp USB 3.0 cho các hãng máy tính trong quý 1 năm nay. Hãng bán dẫn Renesas Electronics cho biết, đã có 30 triệu bộ điều khiển USB 3.0 được xuất xưởng tính đến hết tháng 5/2011, và hãng sản xuất bo mạch chủ Giga-Byte Technology cũng sẽ xuất xưởng 7,5 triệu bo mạch chủ USB 3.0 vào cuối năm nay.


Bộ điều khiển có chứng nhận USB 3.0 đã được 7 hãng khác bán ra, gồm Advanced Micro Devices (AMD), ASMedia và Etron. AMD đã công bố bộ chipset có chứng nhận SuperSpeed USB tại Diễn đàn phát triển IDF Bắc Kinh 2011. Intel đã tuyên bố hỗ trợ tích hợp USB 3.0 vào bộ chipset Ivy Bridge tại diễn đàn phát triển hồi đầu tháng này.


Dù vậy, cuối cùng thì cũng tùy thuộc vào người tiêu dùng qua sản phẩm họ mua, cho các hãng cung cấp thấy là họ có muốn băng thông và điện năng mà Thunderbolt cung cấp hay không.


Theo ông Johnson, nếu bạn có 2 máy mà một máy có Thunderbolt và máy kia không có, và giá cả không chênh nhau nhiều, thì nhiều khả năng là người dùng sẽ chọn mua máy có cổng Thunderbolt.





Theo PC World VN

Xem đầy đủ bài viết tại http://www.lomkom.com/2011/10/144407

No comments:

Post a Comment

Popular Posts