Cộng đồng CNTT-TT Việt Nam vẫn đang sôi nổi luận bàn về việc xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử. Song trên thực tế, việc triển khai ứng dụng CNTT-TT vẫn đang dừng ở “cấp cao” chứ chưa “vươn tay” xuống cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã), những đơn vị hành chính gần dân nhất.
>> Chính phủ nhất trí với chương trình máy tính giá rẻ
>> Từ 2012, đào tạo tin học cho cán bộ xã, phường
>> Ưu tiên vốn cho dự án ứng dụng CNTT quy mô quốc gia?
>> Đào tạo tin học cho xã: “Gánh nặng, đường xa”
Đa số cán bộ xã vẫn làm việc trên văn bản giấy.
Để minh hoạ rõ hơn cho nhận định này, phóng viên Bưu điện Việt Nam đã tìm về xã Dân Chủ, thành phố Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình. Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Chủ thẳng thắn cho biết: UBND xã đã được trang bị 6 máy tính để bàn và 2 máy tính xách tay cho tổng số 10 cán bộ công chức thường xuyên làm việc tại trụ sở, tuy nhiên việc ứng dụng CNTT cơ bản vẫn chỉ là đánh máy văn bản, nối mạng Internet để cập nhật, theo dõi tin tức trong nước và thế giới. Hiện vẫn đang “trắng” các ứng dụng như quản lý điều hành văn bản hoặc ứng dụng ngành dọc của thuế, hải quan…
“Công tác quản lý hành chính và các hoạt động tiếp xúc với công dân vẫn theo cách thức truyền thống. Các văn bản đều được khởi tạo trên máy tính nhưng sau đó vẫn phải dùng văn bản giấy để chỉ đạo tổ chức thực hiện rồi lại dùng văn bản để báo cáo chứ chưa áp dụng phương thức quản lý bằng hệ thống CNTT”, ông Cường chia sẻ.
Có lẽ cũng chính bởi ứng dụng CNTT chưa được “phủ” đến cấp xã nên trên bàn làm việc của Chủ tịch và Phó Chủ tịch xã Dân Chủ vẫn chưa “hiện diện” chí ít là một chiếc máy tính để bàn. Mọi khâu văn bản giấy tờ của lãnh đạo xã đều đang “uỷ thác” cho các cán bộ có kỹ năng sử dụng máy tính.
Chia sẻ thêm về việc phát triển ứng dụng CNTT tại tỉnh Hoà Bình, ông Vũ Đức Thuận, Chánh Văn phòng Sở TT&TT Hoà Bình nói: Hoà Bình là một tỉnh nghèo, dù có quan tâm tới chuyện triển khai ứng dụng song thực tế triển khai vẫn còn rất nhiều khó khăn và kết quả đạt được còn khiêm tốn. Đơn cử như mãi đến cuối năm trước, cổng thông tin điện tử của tỉnh mới được hoàn thành.
Trong bối cảnh mức độ ứng dụng CNTT của cấp xã còn “đơn sơ” như hiện nay thì yêu cầu về trình độ Tin học của cán bộ cấp xã cũng không cần thiết phải ở mức cao. Thậm chí, những người có kỹ năng trình độ khá về Tin học về làm việc tại uỷ ban xã sẽ bị đánh giá là “lãng phí tài nguyên chất xám Tin học”.
Có ý kiến cho rằng cấp xã chưa triển khai ứng dụng CNTT nên chưa có động lực để “cải thiện” trình độ Tin học cho cán bộ, công chức. Song cũng có ý kiến khẳng định trình độ “khiêm tốn” của cán bộ công chức xã lại đang là “lực cản” đối với việc phát triển ứng dụng CNTT.
Muốn xây dựng được chính quyền điện tử, một yếu tố cấu thành không thể thiếu của Chính phủ điện tử, thì việc tăng cường ứng dụng CNTT cần phải được gấp rút thực hiện song hành với việc đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng Tin học cho cán bộ cấp xã, phường.
Vấn đề vướng mắc nhất hiện nay là câu chuyện “đầu tiên – tiền đâu”. Theo mặt bằng lương tối thiểu như hiện nay, không thể kêu gọi cán bộ công chức xã tự bỏ tiền túi để đi học. Nhiều cán bộ văn thư của xã hiện vẫn chỉ nhận mức lương 1 phẩy (tương đương 830.000 đồng/tháng), chi tiêu cho đời sống thường nhật còn phải “co kéo” mới đủ, không thể thu xếp để đóng học phí của các khoá đào tạo dù ngắn ngày.
“Việc đào tạo chắc chắn sẽ phải “trông chờ” vào ngân sách của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố, bởi ngân sách cấp xã rất hạn hẹp. Từ trước tới nay, xã chúng tôi không có chương trình đào tạo nào thêm cho cán bộ mà thường chỉ cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn do Sở TT&TT hoặc các đơn vị khác tổ chức. Kinh phí đào tạo đều được hỗ trợ từ ngân sách của tỉnh”, ông Hoàng Mạnh Cường chia sẻ.
Với việc nâng cao trình độ Tin học cho cán bộ, công chức cấp xã, việc triển khai ứng dụng CNTT sẽ được thông suốt, hiệu quả hơn, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Theo ICTnews
Xem đầy đủ bài viết tại http://www.lomkom.com/2011/10/141716
No comments:
Post a Comment