Friday, September 9, 2011

Chờ hiệu quả từ những điểm đưa Internet lên rừng

Nghe tin trường vùng cao La Pán Tẩn (Mù Cang Chải, Yên Bái) được chọn là nơi khai trương điểm Internet thanh niên, chúng tôi đã từ Hà Nội tới chung vui cùng thầy trò ở ngôi trường còn khó khăn này.


>> Việt Nam đã có 4,1 triệu thuê bao Internet

>> Internet: Cơ hội cho người lao động tại các nước đang phát triển

>> Nỗ lực phổ cập Internet cho nông thôn: Thành công nối tiếp thành công

>> Đề án 119: Đưa băng rộng đến xã vẫn quá “hóc búa”


Nếu không có sự phối hợp đồng bộ, các điểm Internet

thanh niên sẽ khó phát huy hiệu quả. (Ảnh: Kỳ Dương/Vietnam+)


Đưa “Net” lên rừng


La Pán Tẩn nghèo! Cái nghèo hiện qua những nóc nhà lúp xúp và con đường lầy lội dưới mưa, vắt vẻo qua các sườn núi, nơi mà những bước chân của những em bé người Mông hàng ngày vẫn cuốc bộ tới trường.


Kể với phóng viên, thầy giáo Phạm Tiến Quảng, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở La Pán Tẩn cứ cảm ơn mãi những cán bộ đoàn đã chọn nơi đây làm để đặt điểm Internet thanh niên. Cả trường chưa được đầu tư một chiếc máy tính nào, thế nên khi được nghe thông tin sẽ có 6 chiếc máy tính nối mạng Internet, các thầy cô mừng lắm.


Nở nụ cười thật tươi, thầy Quảng bảo từ nay, các thầy cô có thể lên mạng tìm hiểu thêm thông tin, kiến thức của ngành để về truyền dạy cho các em và được tiếp xúc rộng rãi hơn với thông tin mới. Quan trọng hơn, đây sẽ là cơ hội để cho các em học sinh trong trường được tiếp xúc với máy tính, với “cái” Internet vốn chỉ nghe qua lời kể của các anh, chị lớn hơn được đi học trên thành phố.


“Nhà trường đã lên kế hoạch xây dựng chương trình lồng ghép lớp học tại điểm Internet cho học sinh, thanh niên trong bản có nhu cầu làm quen dần với máy tính. Theo đó, điểm Internet này sẽ mở từ 7 giờ 30 đến 17 giờ để phục vụ truy cập miễn phí. Còn ngoài giờ sẽ ưu tiên các giáo viên tìm kiếm kiến thức chuyên môn phục vụ công tác giảng dạy,” thầy Quảng hồ hởi.


Cũng theo lời thầy hiệu trưởng, nhiều thầy cô ở trong trường đã có cơ hội làm quen và tiếp xúc với máy tính từ khi còn ngồi ở ghế giảng đường. Giờ trường đã có máy, họ sẽ học lại kiến thức và hướng dẫn lẫn nhau để cùng sử dụng cũng như truyền đạt cho các em được hiệu quả.


Theo VNPT, cùng với Trường Trung học cơ sở La Pán Tẩn, trong tuần lễ khai giảng năm học mới 2011-2012, sẽ có 40 trường học thuộc 62 huyện nghèo trên cả nước đồng loạt tổ chức khai trương điểm Internet thanh niên. Số còn lại sẽ được triển khai dần từ nay đến hết năm 2011.


Các điểm Internet thanh niên sẽ cung cấp các tiện ích như phổ cập tin học và Internet, thư viện điện tử và là điểm phổ biến kiến thức khoa học – kỹ thuật, điểm truy cập Internet đồng thời là điểm sinh hoạt thanh thiếu nhi…


Chờ hiệu quả…


Rõ ràng, điểm Internet thanh niên là một trong những hành động thiết thực mà Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng Tập đoàn VNPT tổ chức để giúp thanh niên vùng khó. Song, hiệu quả của nó đến đâu thì vẫn còn phải đợi.


Theo quan sát của chúng tôi, việc sử dụng máy tính của các thầy cô ở La Pán Tẩn cũng có phần hạn chế. Các em học sinh tuy rất thích thú với màn hình, bàn phím nhưng 100% mới chỉ là lần đầu tiếp cận. Bởi vậy, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những lỗi kỹ thuật trong quá trình sử dụng.


Thầy Quảng cho hay nói về hiệu quả thực tế thì có lẽ là rất khó bởi trình độ cũng như điểm Internet chỉ vỏn vẹn có 6 máy tính. Tuy nhiên, anh hy vọng “mưa dầm thấm đất,” và sự khởi đầu này sẽ giúp các em được tiếp cận và lan tỏa dần.


Để tránh tình trạng đưa Internet về bản nhưng chỉ được một thời gian, máy móc lại “đắp chiếu,” trong hợp tác giữa VNPT và Trung ương Đoàn, việc quản lý điểm Internet do Ban Giám hiệu, Đoàn trường, Đoàn xã phối hợp thực hiện. Trung ương Đoàn chịu trách nhiệm tập huấn lực lượng tình nguyện viên nòng cốt, xây dựng quy chế tổ chức và sử dụng điểm Internet, kiểm tra đánh giá hiệu quả sử dụng điểm Internet…


Ông Nguyễn Đắc Vinh, thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng trực tiếp nhắc nhở, giao cho tỉnh đoàn Yên Bái, huyện đoàn Mù Cang Chải phối hợp, chỉ đạo Đoàn Thanh niên xã La Pán Tẩn vận hành thật tốt điểm Internet này.


Về phía VNPT, Phó Tổng giám đốc thường trực Phan Hoàng Đức cũng cam kết bảo đảm chất lượng cho các điểm Internet thanh niên. Qua đó, giúp thanh thiếu niên tiếp cận với công nghệ, thông tin mới để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thôn bản.


Thực tế, việc đưa Internet thực sự lên ngàn và người dân được thụ hưởng thành tựu khoa học kỹ thuật mới hay không, có lẽ phụ thuộc phần lớn vào lực lượng ở địa phương.


Bởi thế, bên cạnh việc đầu tư, các bên phối hợp cần phải có những phương án cụ thể, đào tạo nguồn lực cán bộ tại địa phương để có thể xử lý những tình huống hỏng hóc của máy trong quá trình vận hành… Ngoài ra, phải có chế tài, nghiêm túc thực hiện kiểm tra và đánh giá hiệu quả sử dụng thường xuyên, tránh tình trạng đầu tư cho xã hội để làm thương hiệu, thành tích.





Theo VietnamPlus

Xem đầy đủ bài viết tại http://www.lomkom.com/2011/09/133169

No comments:

Post a Comment

Popular Posts